Sen Tịnh Đế quý và hiếm, xưa chỉ dùng để tiến vua hoặc chỉ những nhà nào quý phái thanh tao mới trồng sen Tịnh Đế để làm cảnh.
Mới rồi, nhân có anh bạn nói chuyện đi chụp ảnh hoa sen đầu hạ tôi mới chợt nhớ có một loài sen đã lâu rồi không còn được thấy, cũng ít thấy ai còn chụp ảnh về nó và có lẽ người ta đã quên hoặc không biết. Tự nhiên tôi lại thấy hụt hẫng khi nghĩ đến một ngày nào đó cái tên “Tịnh Đế liên” sẽ đi vào tự điển mà không bao giờ còn được gặp ngoài đời thực nữa…
Tịnh Đế liên (hay còn gọi là sen Tịnh Đế, hoa Tịnh Đế hoặc chỉ Tịnh Đế) là một loài sen khá độc đáo, độc đáo từ tên gọi, hình dáng cho đến cả ý nghĩa văn hóa. Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của loài sen này.
Có người giải thích theo nghĩa chiết tự thì cho rằng “Tịnh” có nghĩa là thanh tịnh, trong sạch, liêm khiết; “Đế” có nghĩa là đứng đầu, là cái gốc, hiểu theo nghĩa chung “Tịnh Đế” có nghĩa là đứng đầu các loài hoa về sự thanh tao, thuần khiết. Có người thì lại cho rằng “Tịnh Đế” có thể bắt nguồn từ việc đây là loài sen quý và hiếm, xưa chỉ dùng để tiến vua nên mới có tên gọi như vậy. Song cũng có người chỉ hiểu theo nghĩa đơn thuần là loài sen trên một đế hoa có hai bông cùng nở. Dù có nhiều cách giải thích tên gọi và cách nào cũng đều có lý nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đó là một cái tên đẹp, bao hàm đầy đủ ý nghĩa nhất.
Sen Tịnh Đế không bao giờ nở riêng lẻ, trên cùng một đế hoa bao giờ cũng có hai bông hoa. Hai bông hoa này lớn bằng nhau, màu sắc như nhau và nở cũng cùng nhau. Màu sắc của sen Tịnh Đế tươi hồng, cành lên phía đầu búp hoa màu càng thẫm lại, không khác hoa sen bình thường là mấy, duy chỉ có búp và cánh hoa có phần nhỏ và thanh hơn. Hương sen Tịnh Đế cũng đượm hơn hương thơm của hoa sen bình thường, khi dùng để ướp trà hay pha nước thì mùi vị giữ được lâu hơn. Và dù hương có đượm thì sen Tịnh Đế vẫn có sức quyến rũ mê hoặc lòng người bằng thứ cảm giác êm dịu chứ không gây cho người ta cảm giác hắc nồng và đau đầu.
Bình thường hoa sen dùng để đi chùa, để cúng Phật, để làm cảnh trang trí, dân dã hơn một chút nữa thì để ướp trà, làm trà sen, làm thuốc,… ít khi thấy ai tặng hoa sen cho nhau khi yêu, khi cưới bao giờ. Nhưng với sen Tịnh Đế thì khác. Có lẽ vì sự thuần khiết thanh tao lẫn dáng hình độc đáo luôn có đôi có cặp mà sen Tịnh Đế được dùng để tượng trưng cho thứ quý giá và thiêng liêng nhất của con người: Tình yêu. Và hình như cũng chỉ có sen Tịnh Đế là loài duy nhất trong họ hàng nhà sen mới có được cái vinh hạnh lớn lao ấy.
Sen Tịnh Đế quý và hiếm, xưa chỉ dùng để tiến vua hoặc chỉ những nhà nào quý phái thanh tao mới trồng sen Tịnh Đế để làm cảnh. Về nguồn gốc của loài sen này đến nay vẫn chưa rõ có xuất xứ từ đâu, thuần Việt hay du nhập từ bên ngoài vào, chỉ biết rằng sen Tịnh Đế đã có từ rất lâu đời. Mới đây, có ý kiến cho rằng, loài sen Tịnh Đế có xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh.
Sự tồn tại của loài sen quý này cũng đang mỏng manh như chính những cánh hoa của nó.
Cùng với hình ảnh hoa sen nói chung, sen Tịnh Đế xuất hiện khá nhiều trong văn hóa người Việt. Khi xưa, sen Tịnh Đế được dùng làm hình mẫu hoa văn chạm trổ các đồ vật trong nhà như giường nằm, ghế ngồi, thậm chí cả cột nhà, bệ đá,… hàm ý tỉ dụ phu thê tương thân tương ái, hạnh phúc đôi lứa trăm năm. Sen Tịnh Đế còn biểu trưng cho sự hòa thuận, đủ đầy, hạnh phúc trong gia đình.
Không những thế, hình ảnh hoa sen Tịnh Đế còn đi cả vào trong ca dao và tác phẩm văn học. Trong ca dao có câu: “Bao giờ cho được đủ đôi/Như hoa Tịnh Đế một chồi hai bông”.
Còn trong kiệt tác “Cung oán ngâm khúc” của thi nhân Nguyễn Gia Thiều thế kỷ 18 cũng có câu mượn hình ảnh hoa Tịnh Đế khi nói về nỗi lòng sầu muộn của người cung nữ trong cung khi bị bỏ rơi và hồi tưởng lại những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi: “Ngọn đèn phòng động đêm xưa/Chùm hoa Tịnh Đế trơ trơ chưa tàn”.
Giờ đây sen Tịnh Đế đã thưa vắng đi nhiều. Những nơi trước kia còn hiếm hoi sót lại sen Tịnh Đế thì đến nay trải qua thời gian, rồi quy hoạch đất đai, người ta san lấp đầm hồ để làm nhà cửa, làm ruộng vườn, sen Tịnh Đế đã không còn nữa. Mới đây, một người quen của tôi lên hai huyện Lương Tài và Thuận Thành (Bắc Ninh) để chụp ảnh hoa sen, vô tình bắt gặp hoa sen Tịnh Đế mới biết rằng nơi đây vẫn còn loài hoa quý hiếm này sót lại.
Dẫu vậy sự tồn tại của loài sen quý này cũng đang mỏng manh như chính những cánh hoa của mình vậy, quá trình đô thị hóa đã và đang xâm thực về các miền quê, những ao đầm còn sót lại đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng, nhà máy. Chẳng nói trước được điều gì cả. Đành rằng đó là xu thế tất yếu nhưng sao vẫn lòng vẫn thấy bâng khuâng và tiếc nuối lạ, tựa như mình vừa để mất đi một thứ gì đó, quý lắm, thanh tao lắm, một thứ hồn vía thuần khiết của dân tộc mình… |